Năm 1986, một cô bé "hai lúa" từ biệt cha mình, ngồi trên một chiếc xe buýt đông đúc và chầm chậm hướng đến một thế giới mới.
21 năm sau, vì hợp tác thành công với Apple, cô đã thành công lọt vào bảng xếp hạng Hurun và trở thành người phụ nữ giàu thứ 4 trong suốt 10 năm.
Cô là người phụ nữ giàu nhất Hồ Nam - Chu Quần Phi
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Làm thế nào một cô gái lao động quê mùa không có xuất thân giàu có lại có thể trở thành tỷ phú?
Chúng ta chỉ nhìn thấy thành tích của Chu Quần Phi mà không biết cô đã phải chịu đựng bao nhiêu gian khổ trong suốt hơn 30 năm lập nghiệp của bản thân.
Chu Quần Phi, "tỷ phú ngầm" tại Trung Quốc
01
Bỏ học từ nhỏ và làm việc trong nhà máy
Năm 1970, Chu Quần Phi ra đời tại một ngôi làng miền núi nghèo ở Hồ Nam, Trung Quốc.
Khi cô 5 tuổi, mẹ cô qua đời. Gánh nặng đổ lên vai người bố. Vậy nhưng, trong một vụ tai nạn, đôi mắt của cha cô bị thương nặng và ông gần như bị mù hoàn toàn, điều này càng khiến gia đình vốn đã nghèo khó của cô càng trở nên khó khăn hơn.
May mắn thay, bố cô là người rất mạnh mẽ, ông không từ bỏ việc chăm sóc gia đình dù bị tàn tật.
Để phụ thêm thu nhập cho gia đình, bố cô đã đi học việc từ 8 người thợ và thử làm nhiều công việc: nung gạch, nung ngói, xây nhà, chữa bệnh cho mọi người...
Khi cô bé Chu Quần Phí nhìn thấy người cha tàn tật vẫn làm việc rất chăm chỉ, cô càng quyết tâm thành công hơn để gia đình có một cuộc sống tốt đẹp.
Nhưng dù bận rộn tới mấy, bố cô cũng không bao giờ xem nhẹ việc học của cô.
Cô bé Chu Quần Phi dưới sự dạy dỗ của cha đã chép lại hết hai cuốn "Tăng Quảng Hiền văn" và "Tam tự kinh". Dù không hiểu nội hàm nhưng nội dung đã in sâu vào tâm trí cô, mãi tới tận khi lớn lên, cô vẫn không quên.
Ngoài trau dồi kiến thức văn hóa cho con gái, ông cũng không quên củng cố kiến thức toán học cho con.
Buổi tối, khi bố làm việc xong, cô bé Chu Quần Phi ngồi ngay ngắn trên ghế và giúp bố sắp xếp, ghi sổ.
Tất cả những điều này cũng gieo mầm cho hành trình khởi nghiệp trong tương lai của Chu Quần Phi.
Ngày tháng trôi qua, tình hình tài chính của gia đình bắt đầu sa sút.
Một mình người cha không thể lấp đầy lỗ hổng kinh tế của cả gia đình.
Lúc đó nhà cô nghèo tới mức không nấu nổi một nồi cơm đàng hoàng, một bát cơm phải chia cho bốn người.
Để giảm bớt áp lực tài chính cho gia đình, Chu Quần Phi, ở tuổi 15, đã nghỉ học và đến Thâm Quyến.
Đối với Chu Quần Phi vào thời điểm đó, Thâm Quyến giống như một nhà máy trong mơ, với nền kinh tế thịnh vượng và tiền ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, vì tuổi còn nhỏ, cô không dễ dàng có thể thích nghi với nhịp sống vội vã. Tuy nhiên, khi nghĩ đến những khó khăn của gia đình, cô đã buộc mình phải trưởng thành thật nhanh.
Vì lý do này, Chu Quần Phi đã chọn làm việc tại nhà máy thủy tinh AoYa.
Mục tiêu rất rõ ràng. Nó gần Đại học Thâm Quyến và có nhiều khóa đào tạo kỹ năng. Những cơ sở này có thể mang lại cho cô nhiều cơ hội học tập.
Chu Quần Phi làm việc bán thời gian vào buổi sáng và đi học vào buổi tối. Cô cũng đạt được nhiều chứng chỉ, chẳng hạn như chứng chỉ kế toán và chứng chỉ vận hành máy tính.
Trong thời gian rảnh rỗi khi đi làm, ý tưởng khởi nghiệp của Chu Quần Phi cũng "nở rộ".
Mỗi lần nhìn vào những con số tài khoản mình ghi lại, cô lại nghĩ: Những con số này càng lớn thì càng tốt.
Cứ như vậy, Chu Quần Phi khởi nghiệp bán quần áo.
Chu Quần Phi, khi đó đang phải kiêm nhiều công việc, bắt đầu cảm thấy thời gian và sức lực của mình là không đủ, cô phải lựa chọn và tập trung thời gian và sức lực vào những việc quan trọng hơn để giảm áp lực cuộc sống.
Khi đó, công việc ở nhà máy thủy tinh bắt đầu trở nên nhàm chán và không thể mang lại kiến thức hữu ích nào cho Chu Quần Phi.
Cuối cùng, cô quyết định xin nghỉ việc ở nhà máy và chỉ tập trung vào cửa hàng quần áo của mình.
Không ngờ cô không những không được đồng ý cho nghỉ việc mà còn được thăng chức: giám đốc nhà máy quyết định thăng chức cho cô lên chức trưởng bộ phận in lụa.
Điều này khiến Chu Quần Phi nhận ra rằng mình cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo.
Bộ phận in lụa là một bộ phận mới trong nhà máy và khi đó, không ai chỉ cho cô cách quản lý nó.
Để giải quyết vấn đề này, cô bắt đầu tự học và chẳng bao lâu sau cô đã trở thành một nhà quản lý được tin tưởng.
Năm 1990, nhà máy thủy tinh được mở rộng, nhưng không hiểu vì lý do gì, các đối tác đã rút vốn giữa chừng trong quá trình mở rộng, điều này khiến Chu Quần Phi có linh cảm rằng mọi công sức mà cô đã bỏ ra cho nhà máy sắp bị phá hủy.
Chu Quần Phi liền đến gặp ông chủ và đề nghị: Để tôi làm giám đốc nhà máy, nếu thành công, lương do sếp quyết định; nếu không, tôi sẽ làm cho sếp cả đời.
Ông chủ lúc đó rất ngạc nhiên nhưng để tránh lãng phí tiền nên ông đã đồng ý với đề nghị của Chu Quần Phi.
Vậy nhưng, Chu Quần Phi đã thực sự làm được.
Thông qua việc tự tìm tòi và trau dồi, Chu Quần Phi đã áp dụng kỹ thuật thủ công truyền thống của Trung Quốc và in lụa vào mặt kính đồng hồ. Với công nghệ mới này, cô mở ra một thị trường tiềm năng cho nhà máy.
Chính những điều này đã khơi dậy mong muốn khởi nghiệp của Chu Quần Phi.
Chu Quần Phi ra ngoài lập nghiệp từ nhỏ, với mong muốn giúp đỡ gia đình
02
Khó khăn trong khởi nghiệp và hành trình tạo dựng kỷ nguyên
Năm 1993, Chu Quần Phi hợp tác với người thân để bắt đầu công việc kinh doanh riêng bằng công nghệ của riêng mình.
Những ngày đầu khởi nghiệp, Chu Quần Phi phải học về thiết bị và nghề thủ công trong một căn nhà thuê nhỏ.
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng khắp châu Á, vào thời điểm đó, các công ty lớn bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều khách hàng lớn không đủ khả năng chi trả phí OEM cho Chu Quần Phi, vì vậy, cô đã yêu cầu họ sử dụng một số thiết bị cũ để trả nợ.
Với những thiết bị cũ này, công việc kinh doanh nhỏ của Chu Quần Phi bước đầu đi đúng hướng.
Bằng cách này, công việc kinh doanh của cô không còn giới hạn ở việc gia công và thiết kế mặt số đồng hồ mà còn có thể mở rộng việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm thủy tinh khác.
Trong hành trình khởi nghiệp khó khăn lúc bấy giờ, cô đã nhờ đến sự hỗ trợ tinh thần của cha mình để giúp cô vượt qua.
Người cha lúc đó gần như bị mù hoàn toàn nhưng khi nghe thấy tiếng động ở cửa, ông đã đứng dậy, mò mẫm mở cửa và đón con gái về.
Với sự hỗ trợ của cha và sự phát triển của công ty, Chu Quần Phi đã nhìn thấy một tương lai tươi sáng.
Năm 2001, cô gặp được quý nhân của mình.
Khi đó, Giám đốc điều hành của Công ty Leidi nhận được đơn đặt hàng thiết kế bảng điều khiển điện thoại nắp gập TCL. Ông nghĩ ngay đến Chu Quần Phi và giới thiệu cô với người phụ trách TCL.
Màn hình điện thoại di động thời đó không có khả năng chống va đập, dễ bị nứt vào mùa đông và khả năng truyền ánh sáng kém.
Chu Quần Phi lập tức nghĩ ra ý tưởng.
Không ngờ rằng chiếc điện thoại di động được cô thiết kế rất được công chúng ưa chuộng. Ngoài ra, TCL cũng đã mời được nữ diễn viên Hàn Quốc, Kim Hee Sun làm đại diện, doanh số bán ra của chiếc điện thoại di động này rất khả quan.
Đúng trong lúc này, cha của cô qua đời, việc này đã giáng xuống cô một đòn rất mạnh.
Dù đau đớn nhưng cô luôn ghi nhớ sự kỳ vọng của cha dành cho mình, cô ngay lập tức lấy lại tinh thần, và bắt đầu đế chế kinh doanh của riêng mình.
Năm 2003, Motorola tiếp cận Chu Quần Phi với hy vọng rằng cô có thể tiếp quản đơn đặt hàng của hãng và sản xuất một chiếc điện thoại di động hoàn toàn mới.
Chu Quần Phi chấp nhận thử thách và ngày đêm nghiên cứu cách tạo ra một chiếc điện thoại di động tốt.
May mắn thay, mọi nỗ lực không phải là vô ích. Khi Motorola V3 ra mắt, nó đã được đông đảo công chúng yêu thích.
Cứ như vậy, hoạt động kinh doanh màn hình điện thoại di động của Chu Quần Phi ngày càng lớn mạnh và Lens Technology được thành lập tại Thâm Quyến.
Một nhóm người chứng kiến một cô gái quê mùa ngày nào thực sự giành được sự hợp tác với một thương hiệu quốc tế và làm ăn phát đạt, và, họ hợp lực tấn công Chu Quần Phi.
Chẳng bao lâu, Chu Quần Phi bị thua lỗ trong một thương vụ và gần như mất sạch tiền.
Khi đó, cô thực sự kiệt sức và gần như muốn tự sát.
Khoảnh khắc đó, con gái cô gọi điện và hỏi: "Mẹ ơi, khi nào mẹ về ăn tối?"
Chu Quần Phi chợt thức tỉnh: Tôi có một gia đình và vô số nhân viên đằng sau, tôi phải sống.
Trở lại đấu trường, Chu Quần Phi đã cố gắng hết sức tìm kiếm nhà cung cấp mới và dần dần, nỗi đau cũng qua đi.
Nhiều công ty lớn đã chọn hợp tác với Chu Quần Phi. Sự xuất hiện của một trong những công ty này đã đưa Lens Technology lên hàng đầu thị trường.
"Tôi có một gia đình và vô số nhân viên đằng sau, tôi phải sống."
03
Con mắt tinh tường, nắm bắt cơ hội chính xác
Tính đến năm 2007, Apple thâm nhập thị trường Trung Quốc trong nhiều năm nhưng chưa đạt được tiến triển nào. Khi đó, Apple hy vọng sẽ viết lại quy luật của ngành công nghiệp điện thoại thông minh bằng công nghệ cảm ứng đa điểm của mình.
Nhưng sau nhiều lần chỉnh sửa, mục tiêu vẫn không được đáp ứng, lúc này, người phụ trách Apple đã tìm đến Chu Quần Phi.
Cả hai ngay lập tức đi đến thỏa thuận hợp tác, Chu Quần Phi ngay lập tức dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và phát triển.
Sự hợp tác này đã đưa cô lên ngôi vị "Nữ hoàng thủy tinh".
Dựa vào sự đánh giá cao của Apple đối với Chu Quần Phi, doanh thu của Lens đã tăng vọt lên 17,2 tỷ chỉ sau 8 năm và Apple cũng trở nên nổi tiếng hơn ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chu Quần Phi biết rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực của Apple không phải con đường lâu dài. Chỉ khi có nhiều đối tác hơn, cô mới có thể có một thế giới rộng lớn hơn.
Cô tiếp tục mở rộng đối tác hợp tác và đã hợp tác với nhiều hãng điện thoại di động như Huawei và OPPO.
Không lâu sau, Chu Quần Phi nhận ra rằng rằng thị trường màn hình điện thoại di động đã bão hòa và cô cần có một hướng đi mới - xe sử dụng năng lượng mới.
Năm 2020, Lens Technology bắt đầu hợp tác với Tesla. Sau đó, các nhà sản xuất ô tô lớn như Mercedes-Benz, Volkswagen, NIO và BYD đều trở thành khách hàng của Lens Technology và số lượng khách hàng ô tô lên tới hơn 30.
Hoạt động kinh doanh của Lens Technology ngày càng lớn mạnh nhưng với tư cách là người sáng lập, Chu Quần Phi hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Việc hợp tác với Apple đã đưa cô lên ngôi vị "Nữ hoàng thủy tinh".
04
Sống khiêm tốn và cống hiến cho xã hội
Có một sự nghiệp rực rỡ, nhưng câu cửa miệng của Chu Quần Phi lại luôn là: khiêm tốn, khiêm tốn.
Với tư cách là "Nữ hoàng thủy tinh" của cả một thế hệ, độ lộ diện của Chu Quần Phi hiển nhiên không cao, đặc biệt những năm gần đây, hoàn toàn không có tin tức gì về cô.
Thỉnh thoảng báo chí lại chụp được một vài bức ảnh Chu Quần Phi mặc trang phục giản dị.
Bạn của Chu Quần Phi cũng cho biết: "Cô ấy không khác gì trước đây. Cô ấy vẫn mặc một chiếc quần jean trắng. Chiếc quần đó đã mặc ít nhất năm, sáu năm rồi".
Khi tham dự các sự kiện lớn, chiếc váy đỏ được cô mặc đi mặc lại không biết bao nhiêu lần.
Đó là vì Chu Quần Phi luôn ghi nhớ lời người cha quá cố của mình: Thành công không kiêu hãnh, thất bại không nản lòng.
Nhưng trong số nhiều sự kiện từ thiện lớn, tên của Chu Quần Phi hầu như luôn được nêu lên rất thường xuyên.
Năm 2017, trận lũ lụt ở Hồ Nam, 15 triệu nhân dân tệ đã được quyên góp. Năm 2020, dịch bệnh coronavirus, số tiền cô quyên góp đã vượt quá 30 triệu nhân dân tệ.
Tiền không thể đo lường được sự đóng góp của Chu Quần Phi. Nụ cười trên khuôn mặt mọi người là niềm động viên lớn nhất đối với cô.
Trong lòng Chu Quần Phi, dù sự nghiệp có thành công đến đâu, gia đình vẫn luôn là số một.
Bên ngoài Chu Quần Phi là một nữ cường nhưng khi ở nhà chỉ muốn nấu ăn và cảm nhận hơi ấm gia đình.
Nhìn kỹ vào cuộc đời của Chu Quần Phi, trải nghiệm nào cũng có bóng dáng của cha cô.
Khi mới bước chân vào xã hội, Chu Quần Phi tin rằng đối với cô chỉ có nhiều kỹ năng thôi là chưa đủ vì khi còn nhỏ, cha cô đã làm rất nhiều công việc để nuôi sống gia đình. Trong những ngày đầu khởi nghiệp, chính sự động viên và tin tưởng của cha đã giúp cô tiếp tục. Sau khi sự nghiệp thành công, cô cũng nhớ đến lời cha dặn phải khiêm tốn.
Có người nói: Sự đồng hành và khẳng định của người cha trực tiếp quyết định độ cao của cuộc đời con.
Thành công của Chu Quần Phi chính là minh chứng cho câu nói này.
Mối quan hệ giữa cha và con quyết định trực tiếp đến quỹ đạo phát triển trong tương lai của trẻ.
Người cha là mức trần cho sự phát triển của con cái. Sự tồn tại của người cha quyết định hướng đi cuộc đời của người con.
Như Nguyễn